Ngoài các địa danh nổi tiếng như sông Hương, núi Ngự, cầu Tràng Tiền thì khi đến với Huế bạn còn có thể thăm thú và tắm biển ở những bãi biển nổi tiếng đẹp như tranh ở xứ mộng mơ này. Nếu bạn dự định một chuyến du lịch Huế thì tôi tin chắc rằng sau bài viết này bạn sẽ muốn có mặt ở Huế ngay lập tức.
1. Bãi biển Cảnh Dương
Từ Huế theo Quốc lộ 1A xuôi về Nam khoảng 70 km là đến địa bàn xã Lộc Tiến (Phú Lộc). Từ đây rẽ trái vào gần 8 km nữa là đến biển Cảnh Dương, nằm cạnh cảng Chân Mây, thuộc xã Lộc Vĩnh.
Trải dài hơn 8 nghìn mét, rộng khoảng 200 mét, bãi cát trắng mịn trải dài, những hàng phi lao rợp bóng, nước biển trong xanh như ngọc… Tất cả tạo nên một khung cảnh thiên nhiên thơ mộng đến say lòng bao du khách. Du khách đến với biển Cảnh Dương là đến với vẻ đẹp nguyên sơ, hít thở môi trường không khí trong lành mát dịu, xua đi những mệt mỏi, những suy tư trong sự hối hả của cuộc sống thường nhật. Ngồi trong những căn chòi, hay mái dù ở đây ngắm những hàng phi lao trên bờ làm tô điểm cho biển Cảnh Dương vẻ đẹp thuần khiết, trong xanh. Do điều kiện biển khá hiền hòa nên nếu chưa thỏa trí tò mò, du khách có thể thuê một chiếc thuyền nhỏ, lênh đênh trong sóng nhẹ ra khơi, tận mắt xem ngư dân câu cá, câu mực trên biển.
Những người sành văn hóa ẩm thực về biển Cảnh Dương có thể bị lôi cuốn bởi những món hải sản tươi sống đa dạng với giá cả rất bình dân. Không ai đến đây mà có thể kìm lòng trước những món ăn được chế biến từ nguyên liệu tươi nguyên như: ghẹ hấp, mực nướng, tôm, cá hanh, cá dìa…
2. Bãi biển Lăng Cô
Nằm cách thành phố Huế 60km về phía Nam và thành phố Đà Nẵng 20km về phía Bắc, Lăng Cô từ lâu đã rất nổi tiếng là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam, với bãi cát trắng dài hơn 10km, cùng làn nước biển trong xanh.
Biển Lăng Cô có dải san hô, tôm hùm và nhiều loại hải sản có giá trị cao. Trong khu vực đó còn có hòn Sơn Trà (nhiều người gọi là đảo ngọc), tại đây còn bảo tồn nhiều loại động, thực vật hoang dã. Phía sau bãi tắm là đầm Lập An và dãy núi Bạch Mã. Tất cả những yếu tố đó mang lại cho Lăng Cô tiềm năng to lớn về phát triển nhiều loại hình du lịch Huế: nghỉ mát, lặn biển, ẩm thực, vui chơi giải trí,…
Khác với biển Thuận An “ồn ào, quyến rũ“, Lăng Cô lại là một vùng biển hiền hòa, nguyên sơ với một dải cát trắng mịn, mặt nước biển xanh trong. Nơi đây còn có rừng nhiệt đới rộng lớn, xa xa là những dãy núi nhấp nhô đầy vẻ hoang sơ và bí ẩn
3. Bãi biển Thuận An
Nơi sông Hương đổ ra phá Tam Giang rồi chảy ra biển Đông, cách Kinh thành Huế về hướng Đông khoảng 13 km, vua Thiệu Trị xếp là cảnh đẹp thứ 10 trong Thần kinh nhị thập cảnh.
Cách trung tâm thành phố khoảng 30 phút đi xe máy, bãi biển Thuận An dài 12 km với những con sóng vỗ hiền hòa mát lạnh. Trên đường đi, khách sẽ được tham quan phá Tam Giang rộng lớn, vùng tiếp giáp của cửa biển nơi dòng sông Hương đổ ra đại dương. Khác với những bãi biển lân cận miền Trung, đặc thù địa lý và khí hậu đã tạo nên một biển Thuận An luôn biến đổi kỳ ảo theo mùa. Bạn khó có thể gặp lại cùng một cảnh sắc ở Thuận An nếu trở lại lần sau.
Đường đi thuận tiện và đẹp lãng mạn với dòng kênh xanh, vườn cây, đồng lúa, phá Tam Giang… ở hai bên đường. Thuận An có bãi cát vàng, vào những đêm rằm trăng soi trên biển cứ óng ánh như dát vàng.
Du khách có thể thuê lều trại, ở hoang dã ngay trên bãi biển và thỏa sức thả mình trong làn nước mát lạnh. Đêm đến, du khách có thể đi dạo dọc bờ biển, hoặc thưởng thức hương vị những món hải sản tươi nguyên nướng trên bếp than thơm lừng.
Đến đây, du khách còn được thưởng thức hương vị những món hải sản tươi nguyên nướng. Ảnh: vntour.com.vn
Không những thế, về cửa Thuận An, ngoài cái thú tắm bể, các bạn còn có thể ôn lại những trang sử cũ, vì trước đây Thuận An chính là cái chìa khóa để mở cửa đi vào kinh kỳ. Người Pháp đã từng dùng từ hai chữ “Thành phố” để gọi cửa Thuận An.
Bãi biển Thuận An vẫn giữ được nguyên vẻ đẹp với làn nước biển trong vắt, bờ cát trắng thoai thoải trải dài, sạch sẽ. Suốt từ sáng đến 3h chiều nước biển có màu xanh ngắt và bãi cát trắng lóng lánh tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, hiếm có.
4. Bãi biển Vinh Thanh
Cách thành phố Huế 30 km về phía Đông Nam, bãi biển Vinh Thanh chan hòa ánh nắng với trời xanh mây trắng, sóng vỗ rì rào, bọt tung trắng xóa, dải cát trắng trải dài, nước biển xanh ngắt một màu.
Do biển Vinh Thanh chưa được sự chú ý của các đơn vị khai thác du lịch nên vẫn còn giữ nguyên nét hoang sơ, rất thích hợp cho những ai yêu thích sự yên tĩnh, và thiên nhiên khoáng đạt.
Hình ảnh đặc trưng của Vinh Thanh là những con thuyền đánh cá nằm chờ trên bãi cát trước chuyến ra khơi, gương mặt người dân quê với làn da đen sạm nắng, giọng nói rặt Huế, tính tình hiền lành, chân chất và rất hiếu khách. Và điều luôn thú vị với mọi du khách là xuống biển tự tay chọn cho mình những chú mực tươi rói, những chú ghẹ càng xanh óng ánh từ chiếc thuyền câu vừa cập bến thuê các nhà hàng hay nhà dân chế biến thành những món ăn tươi.
4. Bãi biển Hàm Rồng
Nằm bên kia phá Tam Giang – Cầu Hai thuộc xã Vinh Hiền (Phú Lộc), bãi biển Hàm Rồng là một địa chỉ mà du khách đã một lần đến đều mong có dịp trở lại.Tuy chưa có “thương hiệu” như các bãi biển Lăng Cô, Cảnh Dương, Thuận An, bãi biển Hàm Rồng lại có một vị trí khá đẹp, cảnh quan nên thơ bởi có núi Linh Thái cao gần 800 mét án ngữ phía sau với những mảng rừng xanh thẳm, uốn lượn theo nhiều vòng cung ôm lấy bãi biển dài gần 6 km. Ở đây có 3 bãi tắm là bãi Hàm Rồng, Đông Dương và bãi Đầm. Nước biển ở Hàm Rồng lúc nào cũng trong xanh, lại được điểm xuyết những quần thể đá lớn nhỏ sắp xếp chồng lên nhau tạo nên một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp.
Biển Hàm Rồng lúc nào cũng đẹp như bức tranh thủy mạc. Một không gian biển không ồ ã, xô bồ; mặt nước biển lúc nào cũng trong xanh, lại điểm xuyết những quần thể đá lớn nhỏ sắp xếp chồng lên nhau tạo những hang đá đẹp. Chính yếu tố này đã gợi cho những khách có tính tò mò, thích khám phá thiên nhiên nơi đây. Từ bờ lội ra khoảng 10-15 mét, khách có thể chọn độ sâu của biển thích hợp để ngâm tắm, thỏa sức vùng vẩy cùng con sóng vỗ để xua đi bao mệt nhọc của công việc thường nhật. Hoặc có thể ngồi trên bờ gần mặt biển để nhìn sóng gợn, nghe tiếng gió biển cùng tiếng reo của lá cây từ những rừng phi lao phía sau tạo nên một sự cộng hưởng của âm thanh hiền hòa, hoang dã.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét