TIN MỚI NHẤT
Loading...

  Ðồi Vọng Cảnh thuộc Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách trung tâm Tp. Huế khoảng 7km.Đứng trên Ðồi Vọng Cảnh có thể nhìn thấy được phong cảnh nên thơ của Tp. Huế, đặc biệt là khu lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn.

  Cách núi Ngự vài km là đồi Vọng Cảnh, một danh thắng khác của Huế, đứng soi bóng duyên dáng bên dòng sông Hương, nhìn qua núi Ngọc Trản. Từ đồi Vọng Cảnh có thể nhìn thấy những khu vườn cây ăn quả mướt xanh của cau, nhãn, cam, quýt, thanh trà... chen lẫn bóng thông, những mái nhà ngói xám của đền chùa, lăng tẩm cổ kính, trầm mặc... Sông Hương như một dải lụa mềm uốn quanh dưới chân đồi...
   Ðồi Vọng Cảnh không đẹp bằng Núi Ngự Bình, nhưng đúng như tên gọi của nó vì đứng ở trên đồi Vọng Cảnh có thể nhìn thấy được phong cảnh nên thơ của thành phố Huế đặc biệt là khu Lăng tẩm của các vua Nguyễn.
   Du khách có dịp đến đây vào buổi bình minh sương tan hay lúc hoàng hôn, mới hiểu hết và thấm thía vẻ đẹp nên thơ, nên họa của một ngọn đồi, một khúc sông, một góc trời xứ Huế.



  Hội đua ghe truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế là một ngày lễ hội mới được tổ chức sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 1975. Hội được tổ chức trong một ngày, nhằm ngày lễ Quốc Khánh 02-9 (dương lịch). Địa điểm đua là bờ Sông Hương trước trường Quốc Học. Hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên nam nữ có cơ hội thi tài trên sông nước, qua đó rèn luyện tăng cường bảo vệ sức khỏe và tạo không khí vui tươi lành mạnh cho nhân dân. Đây cũng là dịp để biểu lộ lòng vui mừng của nhân dân vào ngày Quốc Khánh. Quy mô hội có tính chất rộng rãi liên phường xã và các huyện trong tỉnh. Hội tổ chức theo định kỳ, mỗi năm một lần theo phong tục.

  Vào ngày lễ. Ban tổ chức tuyên bố thể lệ dự giải và chương trình đua bơi gồm có một độ cúng, 7 độ tiền và một độ phá (9 đội đua). Mỗi đội đua phải qua 3 vòng, 6 tráo, riêng độ 7 và 3 độ tiền của nữ là hai vòng bốn tráo. Đội đua bắt đầu bằng một lệnh trống (1 hồi chiêng). Các ghe đua 3 vè chính dọc Sông Hương, lộn vè rốn lúc xuất phát và vòng cuối lúc vào đích. Đây là một tập tục truyền thống vốn được nhân dân mến chuộng từ các lễ hội cổ truyền. Đua trải, đua ghe luôn là một môn thể thao hấp dẫn, biểu thị sức khỏe và tài năng khéo léo của thanh niên nam nữ.
  Đối tượng tham gia lễ chủ yếu là thanh niên nam nữ các phường xã thuộc các huyện và thành phố cũng ra sức đua tài trên sông Hương. Các người lớn tuổi và trẻ em thì ra sức cổ vũ nên không khí cuộc đua bao giờ cũng sôi nổi, hào hứng.
Nếu các cuộc đua ghe ở các làng mạc xa xưa có ý nghĩa và mục đích để cầu mưa thuận gió hòa thì cuộc đua ghe truyền thống hiện nay không giữ lại mục đích đó, mà dịp để tỏ lòng hân hoan và thi tài thể lực nhân ngày Quốc Khánh. Lễ hội này vẫn còn được tổ chức, đem lại nguồn vui cho cả vận động viên lẫn dân chúng trong tỉnh. 
Website: Huetrongtamtay.blogspot.com
Điện thoại: 01206242209
1. Suối Voi
  Vị trí: Từ thành phố Huế chạy về phía Nam 60km, hay Đà Nẵng chạy ra 40km, rồi chạy thêm 3km lên phía Tây, ngang địa phận Thừa Lưu, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, men theo con đường nhỏ được phủ lớp bê tông, du khách sẽ đến suối Voi.

  Đây là một con suối với nhiều ngọn thác lớn tuôn ra dưới một cánh rừng nguyên sinh khá dày thảm thực vật.
  Suối được đặt tên là Suối Voi, vì tại đây có một tảng đá hình y hệt một con voi đang thả vòi uống nước dưới chân thác. Nơi đây còn có một hồ nước được đặt tên là Đầm Voi, đây là một hồ tắm thiên nhiên rộng khoảng 30m2, sâu trên 2m, nằm giữa hai ngọn thác. Hồ nước mát lạnh trong xanh có thể nhìn thấy tận đáy.
  Từ nơi đây đi ngược lên khoảng trên 1km là suối Đá Bàng. Tại đỉnh đầu của thác Đá Bàng, du khách có thể thỏa thích khám phá thiên nhiên, rồi sau đó đi bắt cá nia, hái lá giang để nấu món canh chua, hay luộc rau tàu bay chấm với nước cá bóng thệ.
2. Suối hồ Truồi
  Vị trí: Từ thành phố Huế đi về cầu Truồi xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, rẽ phải thêm 10km.

  Đỉnh Bạch Mã quanh năm chìm trong mây trắng. Mênh mang dưới chân Bạch Mã là hồ Truồi xanh biếc chạy dài hết tầm mắt.
  Có bốn con suối đổ vào hồ Truồi là suối Hợp Hai, Vũng Thông, Ông Viên và Ba Trại, mỗi suối đều có những vẻ đẹp đặc trưng khác nhau.
  Vào mùa nắng nóng, mỗi ngày có hàng trăm khách tham quan và dã ngoại ở đây. Vào suối, du khác có thể ngâm mình dưới làn nước suối mát lạnh, tham gia những thú vui như câu cá, thả lưới hết sức hấp dẫn. Thưởng thức các món cá nướng, hay cháo cá tươi ngon từ thành quả lao động của mình.
3. Thác Nhị Hồ
  Vị trí: Thác Nhị Hồ thuộc thôn Hoà Mậu, xã Lộc Trì (Phú Lộc), cách trung tâm thành phố Huế khoảng 45km về phía Nam, cách Quốc lộ 1A gần 4km.

  Thác như một tuyệt tác của thiên nhiên với dòng thác đổ xuống từ vách núi tạo thành hai hồ nước xanh mát cạnh nhau.
  Từ khá lâu, Nhị Hồ đã thu hút được nhiều du khách tới tham quan, đặc biệt là với giới trẻ. Du khách đến đây để tránh cái nóng của mùa Hè, hòa mình vào thiên nhiên, thưởng thức những đặc sản phong phú của địa phương.
  Đặc biệt, vị trí của thác Nhị Hồ rất thuận tiện cho du khách có thể kết hợp tham quan những địa điểm khác như Đập Truồi – Suối Voi – Lăng Cô.
4. Suối Pârle:
  Suối Pârle nằm tại xã Hồng Hạ cách TP Huế 50km đi theo QL 49 - Đường 12 - Cách Thị Trấn A Lưới 22km. Nơi đây có 2 bãi tắm với sức chứa lớn, du khách sẽ được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng là làn suối trong lành. 
 
 
 
Ở đây còn có 1 bãi đá cao hơn 5m giành cho du khách muốn thử cảm giác mạnh khi thử sức nhảy từ trên cao xuống nước. Ngoài ra ở thượng nguồn con suối có hệ thống hang động rất đẹp, những mạch nước ngầm trong lành chảy từ trong núi. Vào mùa hè, ở đây còn có rất nhiều trái cây rừng thơm ngon mang vị ngọt của thiên nhiên.
 
 
 
 
Điều đặc biệt ở con suối này chính là vào mùa mưa lũ thì nguồn nước tại con suối vẫn trong lành không hề bị đục. Với cánh rừng nguyên sinh bao quanh tạo nên phong cảnh tuyệt đẹp, thoáng mát, trong lành đây là địa điểm du khách không nên bỏ qua khi đến tham quan A Lưới.

 
  Ngoài các địa danh nổi tiếng như sông Hương, núi Ngự, cầu Tràng Tiền thì khi đến với Huế bạn còn có thể thăm thú và tắm biển ở những bãi biển nổi tiếng đẹp như tranh ở xứ mộng mơ này. Nếu bạn dự định một chuyến du lịch Huế thì tôi tin chắc rằng sau bài viết này bạn sẽ muốn có mặt ở Huế ngay lập tức.
1. Bãi biển Cảnh Dương
  Từ Huế theo Quốc lộ 1A xuôi về Nam khoảng 70 km là đến địa bàn xã Lộc Tiến (Phú Lộc). Từ đây rẽ trái vào gần 8 km nữa là đến biển Cảnh Dương, nằm cạnh cảng Chân Mây, thuộc xã Lộc Vĩnh.
  Trải dài hơn 8 nghìn mét, rộng khoảng 200 mét, bãi cát trắng mịn trải dài, những hàng phi lao rợp bóng, nước biển trong xanh như ngọc… Tất cả tạo nên một khung cảnh thiên nhiên thơ mộng đến say lòng bao du khách. Du khách đến với biển Cảnh Dương là đến với vẻ đẹp nguyên sơ, hít thở môi trường không khí trong lành mát dịu, xua đi những mệt mỏi, những suy tư trong sự hối hả của cuộc sống thường nhật. Ngồi trong những căn chòi, hay mái dù ở đây ngắm những hàng phi lao trên bờ làm tô điểm cho biển Cảnh Dương vẻ đẹp thuần khiết, trong xanh. Do điều kiện biển khá hiền hòa nên nếu chưa thỏa trí tò mò, du khách có thể thuê một chiếc thuyền nhỏ, lênh đênh trong sóng nhẹ ra khơi, tận mắt xem ngư dân câu cá, câu mực trên biển.
  Những người sành văn hóa ẩm thực về biển Cảnh Dương có thể bị lôi cuốn bởi những món hải sản tươi sống đa dạng với giá cả rất bình dân. Không ai đến đây mà có thể kìm lòng trước những món ăn được chế biến từ nguyên liệu tươi nguyên như: ghẹ hấp, mực nướng, tôm, cá hanh, cá dìa…
2. Bãi biển Lăng Cô
  Nằm cách thành phố Huế 60km về phía Nam và thành phố Đà Nẵng 20km về phía Bắc, Lăng Cô từ lâu đã rất nổi tiếng là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam, với bãi cát trắng dài hơn 10km, cùng làn nước biển trong xanh.
  Biển Lăng Cô có dải san hô, tôm hùm và nhiều loại hải sản có giá trị cao. Trong khu vực đó còn có hòn Sơn Trà (nhiều người gọi là đảo ngọc), tại đây còn bảo tồn nhiều loại động, thực vật hoang dã. Phía sau bãi tắm là đầm Lập An và dãy núi Bạch Mã. Tất cả những yếu tố đó mang lại cho Lăng Cô tiềm năng to lớn về phát triển nhiều loại hình du lịch Huế: nghỉ mát, lặn biển, ẩm thực, vui chơi giải trí,…
  Khác với biển Thuận An “ồn ào, quyến rũ“, Lăng Cô lại là một vùng biển hiền hòa, nguyên sơ với một dải cát trắng mịn, mặt nước biển xanh trong. Nơi đây còn có rừng nhiệt đới rộng lớn, xa xa là những dãy núi nhấp nhô đầy vẻ hoang sơ và bí ẩn
3. Bãi biển Thuận An
  Nơi sông Hương đổ ra phá Tam Giang rồi chảy ra biển Đông, cách Kinh thành Huế về hướng Đông khoảng 13 km, vua Thiệu Trị xếp là cảnh đẹp thứ 10 trong Thần kinh nhị thập cảnh.
  Cách trung tâm thành phố khoảng 30 phút đi xe máy, bãi biển Thuận An dài 12 km với những con sóng vỗ hiền hòa mát lạnh. Trên đường đi, khách sẽ được tham quan phá Tam Giang rộng lớn, vùng tiếp giáp của cửa biển nơi dòng sông Hương đổ ra đại dương. Khác với những bãi biển lân cận miền Trung, đặc thù địa lý và khí hậu đã tạo nên một biển Thuận An luôn biến đổi kỳ ảo theo mùa. Bạn khó có thể gặp lại cùng một cảnh sắc ở Thuận An nếu trở lại lần sau.
  Đường đi thuận tiện và đẹp lãng mạn với dòng kênh xanh, vườn cây, đồng lúa, phá Tam Giang… ở hai bên đường. Thuận An có bãi cát vàng, vào những đêm rằm trăng soi trên biển cứ óng ánh như dát vàng.
  Du khách có thể thuê lều trại, ở hoang dã ngay trên bãi biển và thỏa sức thả mình trong làn nước mát lạnh. Đêm đến, du khách có thể đi dạo dọc bờ biển, hoặc thưởng thức hương vị những món hải sản tươi nguyên nướng trên bếp than thơm lừng.
  Đến đây, du khách còn được thưởng thức hương vị những món hải sản tươi nguyên nướng. Ảnh: vntour.com.vn
Không những thế, về cửa Thuận An, ngoài cái thú tắm bể, các bạn còn có thể ôn lại những trang sử cũ, vì trước đây Thuận An chính là cái chìa khóa để mở cửa đi vào kinh kỳ. Người Pháp đã từng dùng từ hai chữ “Thành phố” để gọi cửa Thuận An.

  Bãi biển Thuận An vẫn giữ được nguyên vẻ đẹp với làn nước biển trong vắt, bờ cát trắng thoai thoải trải dài, sạch sẽ. Suốt từ sáng đến 3h chiều nước biển có màu xanh ngắt và bãi cát trắng lóng lánh tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, hiếm có.
4. Bãi biển Vinh Thanh
  Cách thành phố Huế 30 km về phía Đông Nam, bãi biển Vinh Thanh chan hòa ánh nắng với trời xanh mây trắng, sóng vỗ rì rào, bọt tung trắng xóa, dải cát trắng trải dài, nước biển xanh ngắt một màu.
  Do biển Vinh Thanh chưa được sự chú ý của các đơn vị khai thác du lịch nên vẫn còn giữ nguyên nét hoang sơ, rất thích hợp cho những ai yêu thích sự yên tĩnh, và thiên nhiên khoáng đạt.
  Hình ảnh đặc trưng của Vinh Thanh là những con thuyền đánh cá nằm chờ trên bãi cát trước chuyến ra khơi, gương mặt người dân quê với làn da đen sạm nắng, giọng nói rặt Huế, tính tình hiền lành, chân chất và rất hiếu khách. Và điều luôn thú vị với mọi du khách là xuống biển tự tay chọn cho mình những chú mực tươi rói, những chú ghẹ càng xanh óng ánh từ chiếc thuyền câu vừa cập bến thuê các nhà hàng hay nhà dân chế biến thành những món ăn tươi.
4. Bãi biển Hàm Rồng
  Nằm bên kia phá Tam Giang – Cầu Hai thuộc xã Vinh Hiền (Phú Lộc), bãi biển Hàm Rồng là một địa chỉ mà du khách đã một lần đến đều mong có dịp trở lại.Tuy chưa có “thương hiệu” như các bãi biển Lăng Cô, Cảnh Dương, Thuận An, bãi biển Hàm Rồng lại có một vị trí khá đẹp, cảnh quan nên thơ bởi có núi Linh Thái cao gần 800 mét án ngữ phía sau với những mảng rừng xanh thẳm, uốn lượn theo nhiều vòng cung ôm lấy bãi biển dài gần 6 km. Ở đây có 3 bãi tắm là bãi Hàm Rồng, Đông Dương và bãi Đầm. Nước biển ở Hàm Rồng lúc nào cũng trong xanh, lại được điểm xuyết những quần thể đá lớn nhỏ sắp xếp chồng lên nhau tạo nên một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp.
  Biển Hàm Rồng lúc nào cũng đẹp như bức tranh thủy mạc. Một không gian biển không ồ ã, xô bồ; mặt nước biển lúc nào cũng trong xanh, lại điểm xuyết những quần thể đá lớn nhỏ sắp xếp chồng lên nhau tạo những hang đá đẹp. Chính yếu tố này đã gợi cho những khách có tính tò mò, thích khám phá thiên nhiên nơi đây. Từ bờ lội ra khoảng 10-15 mét, khách có thể chọn độ sâu của biển thích hợp để ngâm tắm, thỏa sức vùng vẩy cùng con sóng vỗ để xua đi bao mệt nhọc của công việc thường nhật. Hoặc có thể ngồi trên bờ gần mặt biển để nhìn sóng gợn, nghe tiếng gió biển cùng tiếng reo của lá cây từ những rừng phi lao phía sau tạo nên một sự cộng hưởng của âm thanh hiền hòa, hoang dã.



Các lăng tẩm Huế được xây dựng từ khi vua còn tại vị nên đây không phải là chốn mộ địa u buồn mà có phong cảnh hữu tình với những chạm khắc tinh xảo, hài hòa với thiên nhiên.

1. Bề thế lăng Gia Long

Vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn yên nghỉ trong một không gian tĩnh lặng và đầy chất thơ.
Lăng Gia Long (hay Thiên Thọ Lăng) được xây dựng từ năm 1814 đến năm 1820, nằm giữa quần thể núi Thiên Thọ thuộc xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là nơi yên nghỉ của vua Gia Long (1762 - 1820), vị vua đầu tiên trong số 13 đời vua nhà Nguyễn.
Lăng Gia Long có chu vi hơn 11 nghìn mét, trước mặt có núi Đại Thiên Thọ làm tiền án, mỗi bên có 14 ngọn núi chầu vào tạo thành thế “tả thanh long” và “hữu bạch hổ”. Phần chính giữa là khu lăng mộ của vua và bà Thừa Thiện Cao Hoàng hậu.
Lăng nằm xuôi theo dòng sông Hương, quanh năm trong không khí mát lành. Lăng Gia Long là một bức tranh tuyệt tác về sự phối trí giữa thiên nhiên kiến trúc.
2. Thâm nghiêm lăng Minh Mạng




Sự uy nghiêm kiến trúc và khung cảnh gợi tình của thiên nhiên thể hiện tâm hồn lãng mạn của các nhà vua. 
Cách trung tâm thành phố Huế 12 km, nằm trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng, lăng Minh Mạng (hay Hiếu Lăng) là nơi yên nghỉ của vị vua thứ hai nhà Nguyễn.
Được xây dựng từ năm 1840 đến năm 1843 thì hoàn thành, lăng rộng 26 ha, là một tổng thể kiến trúc quy mô gồm 40 công trình lớn nhỏ nằm trên một khu đồi núi, sông, hồ thoáng mát. Trước lăng có 3 cửa, chính giữa là Đại Hồng Môn (chỉ mở một lần duy nhất khi rước di thể của vua Minh Mạng nhập lăng), hai bên là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn. Bên trong Đại Hồng Môn có sân chầu, hai bên có hai dãy tượng đá tạc hình bá quan văn võ và voi, ngựa đứng chầu.
3. Thanh thoát lăng Thiệu Trị


Lăng Thiệu Trị đơn giản với cánh đồng và những vườn cây trái làm hàng rào bao quanh.
Lăng Thiệu Trị nằm dựa lưng vào núi Thuận Đạo, thuộc làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, cách thành phố Huế chừng 8 km. Đây là lăng có thời gian xây dựng ngắn nhất (hoàn tất trong 10 tháng).
Lăng không có La thành (tường bảo vệ quanh lăng) bao bọc. Sau khi vua Thiệu Trị qua đời, người con trai kế vị là Tự Đức đã chọn đất xây. Kiến trúc của lăng Thiệu Trị (hay Xương lăng) là sự kết hợp và chọn lọc từ mô thức kiến trúc của lăng Gia Long và lăng Minh Mạng trong khung cảnh thanh bình của đồng quê với những cánh đồng, ruộng lúa và vườn cây ăn trái quây quanh.
4. Thơ mộng lăng Tự Đức

Lăng Tự Đức là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc thời Nguyễn.
Toạ lạc trong một thung lũng hẹp thuộc thôn Thượng Ba, xã Thuỷ Xuân, thành phố Huế, lăng Tự Đức (hay Khiêm Lăng) được xây dựng từ năm 1864 đến năm 1867 trên diện tích 475 ha. Gần 50 công trình trong lăng ở hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm trong tên gọi. Lăng mang yếu tố khoáng đạt, đường nét mềm mại phản ánh tâm hồn lãng mãn của vị vua thi sĩ này.
Ngoài mục đích là nơi chôn cất khi qua đời, đây còn là nơi vua đến nghỉ ngơi, đọc sách, ngâm thơ… nên cảnh quan của lăng tựa như một công viên rộng lớn với hồ nước thơ mộng, hàng thông xanh ngát. Đặc biệt phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để nhà vua xem hát, được coi là một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam hiện còn bảo lưu.
5. Đơn giản lăng Dục Đức

Ngoài là nơi an nghỉ của 3 vị vua, lăng còn có hơn 39 tẩm mộ ông hoàng bà chúa cùng 121 ngôi mộ đất của những người thuộc Ðệ Tứ Chánh phái Nguyễn Phước tộc (hệ phái của vua Dục Ðức)..
Lăng Dục Đức (hay An Lăng) tọa lạc ở phường An Cựu, thành phố Huế. Lăng xây dựng vào năm 1889 và là nơi an tang các vua Dục Đức, vua Thành Thái và vua Duy Tân.
So với lăng tẩm khác của các vua nhà Nguyễn, lăng Dục Đức có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn. Khu lăng mộ có hình chữ nhật, diện tích 3.445 m2, bên trong không có Bi Đình và tượng đá như các lăng vua khác. Lăng lấy đồi Phước Quả làm tiền án, núi Tam Thai sau lưng làm hậu chẩm và dòng khe chảy vòng qua trước mặt làm minh đường tụ thủy.
6. Hài hòa lăng Đồng Khánh

 Mặt chính lăng Đồng Khánh.
Lăng Ðồng Khánh (hay Tư lăng) là nơi an táng vua Đồng Khánh thuộc thôn Thượng Hai, xã Thuỷ Xuân, thành phố Huế, nằm giữa khu lăng Thiệu Trị và lăng Tự Đức. Lăng được xây dựng qua 4 đời vua, kéo dài từ năm 1888 đến năm 1923, mang lối kiến trúc phong kiến truyền thống và chịu ảnh hưởng của kiến trúc Tây Âu.
Điện Ngưng Hy được coi là nơi bảo lưu bật nhất nghệ thuật sơn mài nổi tiếng của Viêt Nam hài hòa cùng hệ thống cửa kính nhiều màu. Kiến trúc lăng mộ hầu như Âu hoá hoàn toàn, từ đặc trưng kiến trúc, mô típ trang trí đến vật kiệu xây dựng nhưng vẫn hoà hợp với phong cảnh thôn dã trong vùng.
7. Tinh xảo lăng Khải Định

Lăng Khải Định là công trình có giá trị về mặt kiến trúc và nghệ thuật với sự kết hợp kiến trúc giữa Đông và Tây.
Là nơi yên nghỉ của vua Khải Định, vị hoàng đế thứ 12 của triều Nguyễn, lăng Khải Định (hay Ứng lăng) tọa lạc trên núi Châu Chữ, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, cách thành phố Huế khoảng 10km về phía tây nam. Đây là công trình duy nhất có lối kiến trúc pha trộn giữa Đông và Tây.
Tuy có kích thước khiêm tốn nhưng tỉ mỉ, kỳ công nên tốn nhiều thời gian cũng như kinh phí hơn các lăng khác. Lăng được xây trong 10 năm, từ 1920 đến 1930.
Đặc biệt, lăng Khải Định nổi tiếng với 3 bức bích họa “cửu long ẩn vân” được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định, được coi là hoành tráng và có giá trị nhất tại Việt Nam.